ANA GROCERY | Lương Khô Mỹ Dài Hạn & Vitamins

10 Kỹ Năng Cơ Bản Phòng Khi Gặp Sóng Thần

Thứ Tư, 03/05/2023
Quản trị viên

Sóng thần là một loạt các đợt sóng gây ra bởi sự xáo trộn lớn của nước do động đất và hoạt động địa chấn dưới đại dương gây ra. Nhìn chung, sóng thần không phải là mối đe dọa đặc biệt vì chúng liên tục xảy ra hàng ngày trên khắp thế giới, thường là ở giữa đại dương. Trên thực tế, hầu hết các cơn sóng thần không cao hơn nhiều so với sóng biển nhưng trong một số trường hợp, sóng thần sẽ phát triển thành những đợt sóng có sức tàn phá khủng khiếp. Nếu bạn sống ở khu vực ven biển, điều bắt buộc là bạn phải có trong mình những cách thức căn bản để đối phó phòng trường hợp sóng thần xuất hiện.

Trận sóng thần ở thành phố Iwaki, Fukushima (Nhật Bản) năm 2011

Quan sát bề mặt biển
Sóng thần thường đi kèm với những tiếng ầm ầm lớn và hút nước ven biển ra phía ngoài đại dương. Hãy cẩn thận nếu nước biển bất ngờ rút ra xa bờ hoặc mực nước dâng cao một cách bất thường thì nguy cơ cao một cơn sóng thần lớn sẽ đổ bộ.
Nếu bạn đang lướt sóng gần bờ và nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy tranh thủ vào bờ nhanh nhất có thể và bắt đầu sơ tán. Nếu bạn đang lướt sóng ở vùng nước sâu, hãy chèo ra biển càng xa càng tốt.

Di tản nhanh nhất có thể
Thảm hoạ kép "động đất - sóng thần" cũng đã từng xảy ra ở Nhật Bản vào năm 2011 tàn phá nặng nề 3 tỉnh Đông Bắc Nhật Bản là Iwate, Fukushima và Miyagi, khiến hơn 18.500 người thiệt mạng và mất tích, cùng nhiều nhà cửa bị hư hại. Vì vậy, nếu tại bất kỳ thời điểm nào mặt đất bên dưới bạn rung chuyển, hãy cảnh giác cao độ. Sóng thần có thể đến trong vài phút hoặc vài giờ. Cho dù có cảnh báo sóng thần chính thức hay không, nếu bạn sống gần ven biển hoặc trong khu vực có nguy cơ sóng thần và một trận động đất vừa xảy ra, hãy di chuyển ngay lập tức bằng cách chạy về phía an toàn để tránh bị mắc kẹt ở nơi đông người.
Tránh xa bất kỳ con đường, cây cầu hoặc tòa nhà bị hư hỏng nào có thể sụp đổ. Cố gắng di tản đến bãi đất càng trống càng tốt để giữ an toàn.

Đi theo bảng chỉ dẫn 
Các khu vực có nguy cơ sóng thần thường có biển báo hướng dẫn bạn đến nơi an toàn. Hãy để ý các biển báo màu trắng và xanh có nội dung “đường sơ tán sóng thần” hướng dẫn bạn vào đất liền và ra khỏi khu vực nguy hiểm để đến nơi an toàn.
Thường có những mũi tên được in trên biển báo để chỉ cho bạn hướng cần sơ tán. Nếu không, chỉ cần di chuyển từ biển báo này sang biển báo khác cho đến khi bạn nhìn thấy biển báo cho biết bạn đã ra khỏi khu vực sơ tán sóng thần.

Lên vùng đất cao
Vùng đất cao là nơi an toàn nhất khi có sóng thần. Nếu có động đất và bạn sống trong vùng có nguy cơ sóng thần, đừng đợi cảnh báo chính thức về sóng thần! Ngay khi hết rung lắc và có thể di chuyển an toàn, hãy nhanh chóng chạy đến khu đất cao gần nhất để thoát khỏi nguy hiểm.
Nếu bạn không sống trong vùng có nguy cơ sóng thần, bạn không cần sơ tán lên vùng đất cao sau động đất. Ở nguyên vị trí trừ khi có sự hướng dẫn từ các lực lượng cứu hộ để rời khỏi khu vực.

Trú ở những vị trí cao nhất của toà nhà
Trong một số trường hợp, có thể bạn sẽ không có đủ thời gian để sơ tán. Nếu không có thời gian để sơ tán hoặc lên vùng đất cao, bạn hãy lên tầng ba hoặc những tầng cao hơn của toà nhà. Tốt hơn nữa, hãy thử leo lên nóc tòa nhà cao nhất, kiên cố nhất mà bạn có thể tìm thấy.
Nếu bạn ở ngay trên bờ biển, có thể có một tháp sơ tán sóng thần cao gần đó. Tìm kiếm các biển báo về lối sơ tán và đi theo chúng đến tòa tháp, sau đó leo lên đỉnh.
Phương án cuối cùng khi bạn không thể đến được bất kỳ loại đất cao nào khác, hãy trèo lên một cái cây cao và chắc chắn.

Tiến sâu vào trong đất liền
Hãy chọn một khu đất cao cách bờ biển càng xa đất liền càng tốt vì càng ở xa bờ biển sẽ càng ít gặp nguy hiểm. Trong một số trường hợp, sóng thần có thể tiến vào trong đất liền đến 16km tuỳ vào hình dạng và độ dốc của bờ biển sẽ ảnh hưởng đến khoảng cách mà chúng có thể vươn tới.

Tìm những đồ vật nổi 
Tìm và giữ chặt lấy một cái cây, cánh cửa hoặc bè cứu sinh sẽ giữ an toàn cho bạn nếu chẳng may bị sóng thần cuốn vào. Mặc dù sẽ rất khó khăn vào lúc này nhưng bạn hãy cố gắng bặm môi thật chặt hết mức có thể để không nuốt phải nước. Sóng thần gần khu vực dân sinh thường mang theo các hóa chất và chất thải có thể gây hại cho sức khỏe.

Hướng ra biển nếu bạn đang ở trên thuyền
Ra xa đất liền sẽ an toàn hơn nếu bạn đang ở trên mặt nước trong cơn sóng thần. Lái thuyền của bạn hướng ra biển khơi, đối mặt với những con sóng và vươn xa nhất có thể. Không bao giờ quay trở lại cảng nếu có cảnh báo sóng thần trong khu vực. Hoạt động của sóng thần gây ra các dòng chảy và mực nước nguy hiểm gần bờ biển, có thể làm lật thuyền của bạn.
Nếu bạn đã cập bến cảng, hãy ra khỏi thuyền và đi vào đất liền đến nơi an toàn càng nhanh càng tốt.

Không rời khỏi vùng an toàn trong ít nhất 8 giờ
Hoạt động của sóng thần có thể tiếp tục diễn ra đến 8 giờ hoặc lâu hơn. Tránh xa bờ biển, lên vùng đất cao và theo dõi thông báo chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về tình trạng của sóng thần để giữ an toàn tối đa cho bản thân. Các thông báo khẩn cấp tại địa phương cũng cho bạn biết thời điểm an toàn để trở về nhà sau cơn sóng thần.
Trong tình huống bị cô lập như vậy, bạn không thể không căng thẳng và lo lắng cho người thân của mình nhưng tuyệt đối bạn phải ở nguyên vị trí hiện tại và cố gắng giữ bình tĩnh. Đừng mạo hiểm mạng sống của bạn để cố gắng gặp gỡ ai đó ở khu vực khác.

Tránh đường dây điện bị rơi
Đường dây điện bị hỏng có thể truyền điện cho những vật bị ướt sau cơn sóng thần. Để ý nơi có đường dây điện bị đứt hoặc bất kỳ thiết bị điện nào hư hỏng mà bạn đang di chuyển qua sau khi sóng thần kết thúc. Hãy tránh xa những vùng ngập nước và đừng lội qua nếu bạn nghi ngờ những nơi đó dấu hiệu bị nhiễm điện.

Nguồn: Tổng hợp

Viết bình luận của bạn