ANA GROCERY | Lương Khô Mỹ Dài Hạn & Vitamins

Nhiễm Xạ & Cách Sống Sót Trong Vùng Bị Nhiễm Xạ

Thứ Năm, 09/02/2023
Quản trị viên

Nhiễm xạ hay nhiễm độc phóng xạ chắc hẳn không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rõ những thông tin quan trọng cũng như cách xử lý khi bị rơi vào tình huống này. Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu khu vực xung quanh bạn bị nhiễm phóng xạ. Vì vậy, hãy tích lũy kiến thức để tự bảo vệ chính mình bằng những thông tin và kỹ năng sống sót khỏi vùng bị nhiễm xạ sau đây.

1. Nhiễm xạ là gì?

Nhiễm xạ hay nhiễm độc phóng xạ là việc con người bị tiếp xúc với một lượng lớn bức xạ ion hóa gây tác động tiêu cực tới các cấu trúc phân tử quan trọng của tế bào và DNA đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Các triệu chứng thường sẽ dần biểu hiện sau khi người ta bị nhiễm xạ từ 1 đến 2 giờ và có thể kéo dài trong nhiều tháng tiếp theo.

Chất phóng xạ là một loại chất độc ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người

Mức độ ảnh hưởng tới cơ thể con người hoàn toàn phụ thuộc vào lượng bức xạ hấp thu. Nhiễm độc phóng xạ thông thường rất hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm độc phóng xạ lại đe dọa rất lớn tới tính mạng và sức khỏe con người. Chính vì vậy, bất kỳ ai cũng nên nắm trong tay những kỹ năng quý giá để sống sót qua vùng nhiễm xạ.

Ví dụ điển hình về những bệnh nhân nhiễm phóng xạ là nhân viên thuộc lực lượng cứu hỏa có mặt đầu tiên tại hiện trường vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Đây là một trong số những vụ thảm họa hạt nhân nghiêm trọng bậc nhất lịch sử nhân loại sau cuộc tấn công bom nguyên tử vào thành phố Nagasaki và Hiroshima (Nhật Bản). Thảm họa hạt nhân Chernobyl gây nhiễm độc cho toàn khu vực kéo dài hàng chục ki-lô-mét vuông với lượng phóng xạ phát ra nhiều gấp 400 lần so với lượng phóng xạ từ bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Những người lính cứu hỏa đến nhà máy, trong lúc làm việc đã vô tình bị phơi nhiễm do tiếp xúc với các thiết bị khử trùng chiếu xạ, và một số người trong số họ đã tử vong.

Tại Việt Nam, ca nhiễm phóng xạ đầu tiên xảy ra vào ngày 17/11/1992 tại Viện Khoa học Hà Nội trên máy gia tốc Microtron MT-17, khi đó một nghiên cứu viên đang điều chỉnh mẫu chiếu thì xảy ra lỗi vận hành dẫn đến chiếu xạ gây bỏng và hoại tử một phần bàn tay.

2. Các loại nhiễm độc phóng xạ

Có hai hình thức có thể khiến người ta bị nhiễm phóng xạ, đó là: Chiếu xạ và Ô nhiễm phóng xạ.

Chiếu xạ là trường hợp mà con người tiếp xúc một cách vô tình với tia bức xạ trong lúc làm việc. Trường hợp này thường chỉ gây nhiễm xạ một số cơ quan trên cơ thể nhưng nếu vùng bị chiếu xạ và liều lượng chiếu xạ lớn thì hoàn toàn có thể gây nên các triệu chứng trên toàn thân.

Ô nhiễm phóng xạ là trường hợp con người tiếp xúc ngoài ý muốn khi đi vào vùng có chất phóng xạ lẫn vào bên trong bụi hoặc vào trong chất lỏng.

Ô nhiễm phóng xạ nếu tác động đến con người thông qua đường ăn uống hay hít thở sẽ dẫn đến nhiễm phóng xạ bên trong cơ thể rất khó để loại bỏ. Trong khi đó, nếu chất phóng xạ tiếp xúc với quần áo, dính vào da hay ảnh hưởng tới các bộ phận bên ngoài cơ thể thì vẫn nguy hiểm nhưng sẽ dễ loại bỏ hơn.

Cần trang phục bảo hộ đặc biệt để chống nhiễm xa từ môi trường

3. Hậu quả của nhiễm xạ

Việc hấp thụ chất phóng xạ, các tia bức xạ ion sẽ khiến cho các phân tử ARN, ADN bị suy giảm tốc độ phân chia tế bào rất nhiều gây ảnh hưởng tới các bộ phận và thậm chí có thể giết chết các tế bào.

Mỗi loại tế bào sẽ có những ảnh hưởng gây ra bởi phóng xạ khác nhau, tuy nhiên loại dễ bị tia xạ gây tổn thương nhất chính là tế bào chưa biệt hóa như tế bào ung thư, tế bào gốc, v.v…

Điều nguy hiểm của việc nhiễm phóng xạ là trong giai đoạn phơi nhiễm (mới bị) thường sẽ không có những triệu chứng rõ ràng, phải đến khi các bộ phận xuất hiện bệnh do phần lớn tế bào bị phá hủy thì chúng ta mới nhận thấy.

Nhiễm phóng xạ có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng

Thứ tự tác động của tia bức xạ đối với các tế bào giảm dần như sau:

  • Tế bào bạch huyết
  • Tế bào gốc
  • Tế bào tăng sinh tủy xương
  • Tế bào biểu mô ruột
  • Tế bào gốc biểu bì
  • Tế bào gan

Ngoài ra, thời gian và cường độ tiếp xúc cũng ảnh hưởng tới mức độ tổn thương của tia phóng xạ. Chính vì vậy bất kỳ ai cũng nên nắm vững kỹ năng ứng phó với nhiễm xạ để có thể tự phòng tránh, bảo vệ bản thân.

Một số đối tượng có khả năng nhiễm xạ cao

Bất kỳ ai cũng có thể nhiễm phóng xạ nhưng một số đối tượng như sau sẽ có sự nhạy cảm hơn:

  • Người mắc các bệnh đái tháo đường, mô liên kết
  • Trẻ em
  • Người có hội chứng thất điều – giãn mạch do đồng hợp gen

4. Cách sống sót trong vùng bị nhiễm xạ

Dựa theo thông tin thực tế cũng như chia sẻ ở phần trên, chắc hẳn bạn đã hiểu rõ được hậu quả nghiêm trọng mà chất độc phóng xạ mang lại, chính vì vậy kỹ năng ứng phó với nhiễm xạ là cực kỳ quan trọng.

Rất may là khi có sự cố hạt nhân hay các nguyên nhân gây ra nhiễm xạ, cơ quan chức năng sẽ thông báo về tình trạng rò rỉ cũng như hướng dẫn sơ tán cho mọi người. Ngay lúc này, bạn hãy nhanh chóng thực hiện theo những hướng dẫn này.

Dưới đây là một số cách mà bạn có thể sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn hoặc khác bắt buộc bạn phải áp dụng trong trường hợp đối mặt với sự cố một mình.

a) Trú ẩn tại chỗ

Nếu sự cố xảy ra nhỏ, không có sức lan tỏa diện rộng và nghiêm trọng thì mọi người không cần phải di tản khỏi nơi ở. Tuy nhiên, khi trú ẩn tại chỗ, bạn vẫn nên lưu ý những điều sau:

  • Trú ẩn trong nhà ít nhất 24h cho tới khi có thông báo an toàn
  • Trú ẩn tại những vị trí phòng cách xa cửa chính và cửa sổ
  • Đóng toàn bộ các loại cửa sổ hay cửa chính để tránh khí độc lọt vào bên trong
  • Giữ các loại vật nuôi ở trong nhà, cách xa các vùng bị nhiễm phóng xạ
  • Giữ các thiết bị liên lạc, số điện thoại khẩn cấp và liên tục theo dõi tin tức về vùng nhiễm xạ
  • Hạn chế sử dụng các loại thiết bị có thể đưa không khí bên ngoài vào phòng như quạt, lò sưởi, điều hòa, v..v…

b) Sử dụng thuốc dự phòng nhiễm phóng xạ Potassium Iodide

Cách sử dụng: 

Liều lượng Potassium Iodide được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận cho trường hợp trước và ngay sau khi nhiễm i-ốt phóng xạ (tối đa trong vòng 24 giờ) như sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi: 16 mg 
  • Trẻ em 1 tháng đến 3 tuổi: 32 mg 
  • Trẻ em 3 tuổi đến 18 tuổi: 65 mg
  • Người lớn: 130 mg

Có thể nghiền nát viên và khuấy đều với nước trái cây để dễ uống hơn.

Có thể bạn quan tâm bài viết: Viên Uống Potassium Iodide - Giải Pháp Dự Phòng Cho Trường Hợp Nhiễm Phóng Xạ

c) Sơ tán khỏi vùng nhiễm xạ

Với những trường hợp mà sự cố hạt nhân lớn và nguy hiểm, chúng ta cần di dời đi địa điểm an toàn hơn để sống sót trong vùng nhiễm xạ. Điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là bạn cần phải thật sự giữ bình tĩnh và nghe theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.

Một số thảm họa hạt nhân lớn con người chỉ có thể di tản nhanh nhất ra khỏi khu vực

Bên cạnh đó, bạn nên mang theo bên người một số vật dụng, dụng cụ y tế hay sơ cứu cần thiết như:

  • Quần áo cần thiết để thay trong trường hợp phải sơ tán trong nhiều ngày
  • Đèn pin, các thiết bị sạc, thiết bị liên lạc
  • Túi sơ cứu y tế cơ bản cùng các loại thuốc cần thiết
  • Tiền mặt
  • Các loại nước uống đóng chai và thức ăn ăn liền

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản về nhiễm xạ cũng như kỹ năng sống sót trong vùng nhiễm xạ. Mong rằng chia sẻ này sẽ mang tới cho bạn những thông tin cũng như hành trang tốt nhất để đảm bảo cuộc sống luôn an toàn trong mọi tình huống.

Nguồn: Cẩm Nang Sinh Tồn

Viết bình luận của bạn